Nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Nêu được vấn về chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Hoạt động tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Một số mô hình chăm sóc sức khoẻ ban đầu hoạt động hiệu quả.

Vấn đề chăm sóc sức khoẻ ban đầu là gì ?

1. Khái niệm sức khoẻ Theo Tổ chức y tế thế giới “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”.
Mục tiêu chung của Tổ chức y tế thế giới là phấn đấu để đạt được cho tất cả mọi người một mức độ cao nhất có thể được về sức khỏe. Tại hội nghị Alma Ata năm 1978 của các nước thành viên trong Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ).Chăm sóc sức khỏe ban đầu đã trở thành trọng tâm chính để tăng cường sức khỏe của mỗi quốc gia trên toàn thế giới. 

2. Khái niệm chăm sóc sức khoẻ ban đầu Theo Tổ chức y tế thế giới: "Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực hành, đưa đến tận cá nhân và từng gia đình trong cộng đồng, được mọi người chấp nhận thông qua sự tham gia đầy đủ của họ, với giá thành mà họ có thể chấp nhận được nhằm đạt được mức sức khỏe cao nhất có thể được". 

Cần lưu ý: Chăm sóc sức khoẻ ban đầu là những chăm sóc sức khoẻ thiết yếu. Những Chăm sóc sức khoẻ thiết yếu này phải: a) Đưa đến tận cá nhân, gia đình trong cộng đồng; b) Áp dụng các kỹ thuật y tế thích hợp, được mọi người chấp nhận thông qua sự tham gia đầy đủ của họ nhằm duy trì lâu dài trong cộng đồng; c) Với giá thành mà cộng đồng có thể chấp nhận được nhằm đạt được mức sức khoẻ cao nhất có thể được. 

3 . Ý nghĩa, vai trò của chăm sóc sức khoẻ ban đầu - Chăm sóc sức khỏe ban đầu thể hiện tính nhân đạo và công bằng rất cao, công bằng không có nghĩa là cung cấp các chăm sóc sức khỏe đồng đều cho mọi thành viên của cộng đồng mà là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người thực sự có nhu cầu cần nó.
- Chăm sóc sức khỏe ban đầu đã góp phần quan trọng vào thực hiện công bằng xã hội thông qua việc giảm dần sự khác biệt trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu và người nghèo; giữa thành thị và nông thôn; giữa đồng bằng và miền núi.
- Chăm sóc sức khỏe ban đầu đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phân phối công bằng nguồn lực y tế và định hướng phục vụ.
- Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến những vấn đề sức khỏe chủ yếu của cộng đồng, đến tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Do đó chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh tật, tăng tuổi thọ trung bình của người dân.

4. Mục tiêu của chăm sóc sức khỏe ban đầu 4.1. Phấn đấu để đạt được một mức độ cao nhất có thể được về sức khỏe cho tất cả mọi người.
4.2. Tăng cường tình trạng sức khỏe của cộng đồng và các điều kiện kinh tế - xã hội của cộng đồng. 
4.3. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược sức khỏe cho mọi người thông qua thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.
5. Nội dung của Chăm sóc sức khoẻ ban đầu 5.1. Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu (theo Tổ chức Y tế thế giới xác định tại Hội nghị Almaata năm 1978), gồm 8 nội dung sau: 
a) Giáo dục sức khỏe nhằm thay đổi lối sống và thói quen không lành mạnh.
b) Cải thiện điều kiện dinh dưỡng và ăn uống hợp lý, đây là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sức khỏe.
c) Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
d) Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong đó có kế hoạch hóa gia đình.
e) Tiêm chủng phòng chống 6 bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em.

g) Phòng chống các bệnh dịch lưu hành phổ biến tại địa phương.
h) Điều trị hợp lý các bệnh và các vết thương thông thường.
i) Cung cấp các loại thuốc thiết yếu.
5.2. Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu do Ngành Y tế Việt Nam đưa ra bao gồm 8 nội dung nêu trên và thêm 2 nội dung nữa, đó là:
j) Quản lý sức khỏe toàn dân.
k) Củng cố màng lưới y tế cơ sở, trong đó giáo dục sức khoẻ là quan trọng liên quan tới tất cả các nội dung Chăm sóc sức khoẻ ban đầu. 

Hoạt động tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu của hội chữ thập đỏ Việt Nam

Chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng là hoạt động quan trọng đặc thù của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhằm thực hiện nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu do Tổ chức Y tế thế giới xác định và thực hiện chiến lược bảo vệ sức khoẻ nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.

1. Thế nào là chăm sóc sức khoẻ ban đầu dựa vào cộng đồng? 

Chăm sóc sức khoẻ ban đầu dựa vào cộng đồng là hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại cộng đồng có sự tham gia của cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng là nhân tố cơ bản trong chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng, bao gồm:
- Các cá nhân trong cộng đồng nhận rõ trách nhiệm của họ và tự họ quyết định những việc cần làm để nâng cao sức khỏe cộng đồng;
- Cộng đồng quyết định làm thế nào để thực hiện những việc cần làm để nâng cao sức khoẻ của người dân tại cộng đồng.
Vấn đề sức khoẻ của người dân không phải chỉ cần thuốc tốt, bác sỹ giỏi hay bệnh viện hiện đại, mà quan trọng hơn là cách thức cộng đồng phòng bệnh như thế nào hay cách thức người dân ở cộng đồng thay đổi thói quen, hành vi xấu ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng (ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm để đẩy lùi bệnh ỉa chảy, suy dinh dưỡng và nhiều bệnh khác; xây dựng lối sống cộng đồng lành mạnh dể phòng chống HIV/AIDS...).

2. Tại sao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định thực hiện nhiệm vụ Chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng?

2.1. Dựa vào cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng là nhân tố cơ bản, quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
2.2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, có thế mạnh trong việc vận động, huy động sự tham gia của cộng đồng. Cụ thể:
- Trong suốt quá trình phát triển hơn 60 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn xác định công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch, xây dựng nếp sống vệ sinh, thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng và các bệnh dịch khác.
- Hội có hệ thống tổ chức ở 4 cấp với lực lượng đông đảo hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe để đưa những kiến thức, kỹ năng ấy đến với người dân tại cộng đồng, vận động nhân dân tham gia các phong trào vệ sinh phòng bênh, phòng dịch, nước sạch vệ sinh môi trường, sơ cấp cứu, sử dụng thuốc nam và các phương pháp y học cổ truyền trong khám chữa bệnh. Chính người dân tại cộng đồng sau khi được tuyên truyền, sẽ tham gia tích cực thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của chính họ và gia đình họ.
- Hội có thế mạnh trong việc huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thực hiện được các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng.
- Hội có kinh nghiệm thực hiện các mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng. 

3. Nội dung Chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng 

3.1. Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe nhằm thay đổi lối sống và thói quen không tốt cho sức khoẻ, tăng cường hiểu biết của của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và cộng đồng dân cư về sức khỏe, lối sống khỏe mạnh và biết tự chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Tập trung vào các nội dung sau:
a) Tuyên truyền thực hiện vệ sinh phòng bệnh:
- Vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi.
- Vệ sinh, an toàn thực phẩm: chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, không bị ôi thiu.
- Vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi chế biến thức ăn, trước, sau bữa ăn, sau khi đi đại, tiểu tiện.
- Vệ sinh phụ nữ: đề phòng bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Vệ sinh nhà ở: luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, quét dọn thường xuyên, diệt ruồi, muỗi, …
- Vệ sinh nguồn nước sạch: hướng dẫn người dân biết sử dụng và bảo quản nước sạch và các công trình vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường: khơi thông cống rãnh, xử lý chất thải đúng cách, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, vệ sinh chuồng trại, phát quang bụi rậm quanh nhà…
b) Phòng, chống dịch: 
- Sốt rét, sốt xuất huyết: tuyên truyền cộng đồng ngủ màn, diệt muỗi.
- Tả, lỵ, thương hàn: tuyên truyền nhân dân ăn chín, uống sôi, rửa tay với xà phòng thường xuyên.
- Tuyên truyền các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng, phòng 6 bệnh dịch ở trẻ em (sởi, ho gà, bại liệt, uốn ván, lao, bạch hầu). 
c) Phòng chống dịch nguy hiểm, như: viêm đường hô hấp cấp (SART), cúm A H5N1, cúm A H1N1, HIV/AIDS.
d) Tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
e) Tuyên truyền vận động hiến máu, hiến giác mạc, hiến bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo.
Các hình thức tuyên truyền: tuyền truyền trong cộng đồng thông qua phát thanh trên loa, đài của thôn, xóm, phường, xã; tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, các buổi học ngoại khóa của học sinh,các cuộc họp của các đoàn thể; tuyên truyền theo nhóm thông qua hình thức tổ chức các câu lạc bộ, nhóm bạn giúp bạn, nhóm đồng đẳng; tuyên truyền đến tận hộ gia đình, đến từng người dân.
3.2. Hỗ trợ cung cấp nước sạch, các công trình vệ sinh môi trường (hố xí, hệ thống cống rãnh, nhà tắm…) cho các gia đình nghèo thông qua các chương trình, dự án với phương châm Hội và người dân cùng làm. Cụ thể:
- Hỗ trợ kinh phí, vật liệu giúp hộ nghèo tự xây giếng nước, bể nước, hệ thống dẫn nước từ trên núi xuống; 
- Hỗ trợ vật liệu và hướng dẫn các hộ nghèo tự làm các bể nước sinh học.
- Hỗ trợ các hộ gia đình nghèo tự xây hố xí hợp vệ sinh, hệ thống cống rãnh, thoát nước,
3.3. Tham gia phòng chống các bệnh dịch, dịch nguy hiểm
a) Đối với HIV/AIDS:
Hội tham gia tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người có HIV/AIDS và gia đình họ: tư vấn cho người có HIV, gia đình họ và cộng đồng (thông qua các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực) các biện pháp tránh lây truyền, như: không dùng bơm kim tiêm chung, tình dục an toàn, không cho con bú khi mẹ có HIV; hỗ trợ tạo việc làm và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV; chăm sóc hỗ trợ trẻ em bị bỏ rơi do cha, mẹ bị AIDS thông qua các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ.
b) Đối với bệnh dịch nguy hiểm: 
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền naâg cao nhận thức và hướng dẫn người dân cách phòng chống đại dịch (truyền thông các biện pháp phòng tránh lây lan như: giữ gìn vệ sinh mũi họng; tránh tiếp xúc với người bệnh, nếu phải chăm sóc thi đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát trùng; khi có dấu hiệu sốt, ho khó thở phai deo khẩu trang và đến cơ sở y tế ngay...).
- Tổ chức lực lượng xung kích Chữ thập đỏ tham gia ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, khi đại dịch xẩy ra; tham gia và vận động cộng đồng tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đội xung kích tham gia phun thuốc tẩy uế môi trường; tham gia chăm sóc và vận chuyển người bệnh…
3.4. Sơ cấp cứu ban đầu dựa vào cộng đồng
a) Thành lập các đội, nhóm sơ cấp cứu ban đầu; đào tạo sơ cấp cứu viên tại các địa phương về kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu.
b) Phát triển và tổ chức đào tạo lực lượng tình nguyện viên sơ cấp cứu của Hội được cấp giấy chứng nhận. Tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu cho học sinh, cán bộ công nhân viên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…
c) Củng cố, phát triển các trạm, chốt, điểm sơ cấp cứu tại nơi hay xẩy ra tai nạn, như cạnh đường giao thông, bãi biển, ven sông…
d) Tổ chức xe vận chuyển bệnh nhân, nạn nhân sau khi đã cấp cứu.
e) Hỗ trợ túi cứu thương, dụng cụ sơ cấp cứu cho các trạm chốt, điểm sơ cấp cứu.
g) Củng cố hệ thống thông tin báo cáo hoạt động sơ cấp cứu từ xã- huyện- tỉnh- trung ương.
3.5. Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo
a) Củng cố và phát triển hoạt động của các phòng khám, chữa bệnh nhân đạo, thành lập mới các phòng khám nhân đạo đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Phòng khám, chữa bệnh nhân đạo có nhiệm vụ:
- Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…
- Cấp cứu khi có yêu cầu.
- Khám chữa bệnh thu phí cho các đối tượng có yêu cầu.
- Tham gia tư vấn sức khoẻ.
- Tham gia tuyên truyền vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
- Tham gia đào tạo, huấn luyện các kiến thức phòng chống bệnh dịch.
- Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ cho các hoạt động khám chữa bệnh.
b) Củng cố, duy trì hoạt động của các phòng chẩn trị y học cổ truyền, chữa bệnh bằng thuốc Nam, châm cứu. Cụ thể:
- Vận động cộng đồng trồng cây thuốc Nam, đi thu hái thuốc Nam để ủng hộ cho việc chữa bệnh nhân đạo.
- Vận động các nhà chùa cùng phối hợp tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
c) Tổ chức khám chữa bệnh lưu động tới các vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế thông qua phát triển các đoàn thày thuốc tình nguyện. Nhiệm vụ của đoàn thày thuốc tình nguyện:
- Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng khó khăn.
- Tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh.
- Tư vấn sức khỏe .
- Tham gia viết sách, tài liệu và đào tạo huấn luyện cho cán bộ hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và cộng đồng các kiến thức kỹ năng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ.
- Tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (tiền, hiện vật, công sức...) giúp duy trì các hoạt động của đoàn. 
3.6. Hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh nghèo trong bệnh viện
a) Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các bếp ăn tình thương hiện có ở các bệnh viện nhằm hỗ trợ cho người bệnh nghèo: bữa cháo sáng; bữa trưa; bữa chiều; phục vụ nước sôi...
b) Thành lập mới các bếp ăn tình thương theo trình tự:
- Tổ chức quyên góp: tiền, hiện vật (gạo,thực phẩm, rau, quả, củi ....) từ các tổ chức kinh tế xã hội, nhà doanh nghiệp (khách sạn, nhà ăn..), các tôn giáo...
- Làm việc với Bệnh viện để có chỗ nấu cơm, chia cơm, chỗ ăn cho bệnh nhân.
- Trang bị dụng cụ nấu ăn, bát, đũa ...tổ chức kho chứa thực phẩm, phương tiện vận chuyển ...
- Huy động người tình nguyện tham gia nấu ăn.
- Xây dựng nội quy bếp ăn.
- Quản lý tài chính, báo cáo công khai với nhà tài trợ.

4. Giải pháp thực hiện 

4.1. Tổ chức mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực về hoạt động chăm sóc sức khoẻ
a) Thành lập tổ hướng dẫn viên về chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng cấp tỉnh (bao gồm cán bộ tỉnh, huyện có năng lực và các bác sỹ của tỉnh); tổ chức đào tạo cho họ về kiến thức vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, sơ cấp cứu… Nhiệm vụ của tổ Hướng dẫn viên :
- Huấn luyện cho tình nguyện viên Chữ thập đỏ các kiến thức, kỹ năng về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, sơ cấp cứu …
- Huấn luyện cho giáo viên và học sinh các trường học các kiến thức, kỹ năng vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, sơ cấp cứu ..
b) Vận động các thày thuốc đang làm việc tại các cơ sở y tế hoặc các thày thuốc đã nghỉ hưu tham gia khám chữa bệnh nhân đạo.
c) Phát triển lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ ở cơ sở; tổ chức đào tạo huấn luyện cho họ về kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch, bệnh, sơ cấp cứu…Nhiệm vụ của tình nguyện viên Chữ thập đỏ:
- Tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch tới tận người dân trong cộng đồng tuỳ theo tinh hình dịch bênh ở địa phương.
- Phát thanh trên loa đài của xã phổ biến kiến thức phòng bệnh, tự bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
- Vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, giữ gìn sạch sẽ đường làng ngõ xóm…
Chú ý: Lực lượng thanh thiếu niên Chữ thập đỏ đóng một vai trò rất quan trọng thực hiện nhiệm vụ truyền thông, giáo dục sức khoẻ, vận động cộng đồng tham gia các phong trào chăm sóc sức khoẻ của địa phương. 
d) Thành lập đội xung kích hoặc đội ứng phó nhanh khi có dịch khẩn cấp hoặc thảm hoạ, cấp cứu hàng loạt. Nhiệm vụ của đội:
- Thực hiện sự phân công của ban chỉ đạo địa phương.
- Tiến hành cấp cứu hoặc vận chuyển bệnh nhân.
- Tiến hành chăm sóc bệnh nhân khi có yêu cầu. 
4.2. Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị
- Từng bước nâng cấp đầu tư trang thiết bị về truyền thông giáo dục sức khoẻ. 
- Củng cố, tăng cường trang thiết bị các trạm, chốt sơ cấp cứu, các phòng khám nhân đạo. Xây dựng mới thêm các trạm, chốt sơ cấp cứu ở những nơi thường có tai nạn xảy ra.
- Nâng cấp các phòng khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ.
4.3. Huy động nguồn lực tài chính
- Xây dựng các chương trình dự án dựa trên nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của những người dễ bị tổn thương để kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn hỗ trợ rộng rãi trong nhân dân.
- Các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khoẻ dựa vào các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ nhằm hỗ trợ cho người dễ bị tổn thương để đề xuất với Chính phủ, chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí thực hiện Quyết định số 21 (tháng 10/2003) của Thủ tướng Chính phủ, như các chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống sốt rét, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS…
- Vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài địa bàn để ủng hộ tiền, hàng, công sức lao động…
- Vận động cộng đồng cùng tham gia đóng góp cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ.
- Chủ động xây dựng quỹ Hội thông qua các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhằm duy trì tính bền vững của hoạt động.
- Đào tạo, huấn luyện Sơ cấp cứu cho cac doanh nghiệp có nhu cầu.
- Khám chữa bệnh: ngoài việc khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng dễ bị tổn thương, sẽ thu phí những đối tượng có khả năng chi trả để bù đắp những thiếu hụt trong quá trình hoạt động.
- Vận chuyển cấp cứu: mở rộng mô hình vận chuyển cấp cứu của các tỉnh Hải Phòng, An Giang….sang các tỉnh khác để tăng nguồn thu.
- Xây dựng quỹ dự phòng để ứng phó kịp thời chăm sóc sức khoẻ trong tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh hoặc thảm hoạ.
4.4. Tăng cường phối hợp liên ngành
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương trong công tác chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng, nhất là Hội cấp xã phối hợp với trạm y tế xã về các hoạt động chăm sóc sức khoẻ phù hợp với tình hình địa phương. 
- Phối hợp cộng đồng trách nhiệm với các đoàn thể nhân dân tại cộng đồng, như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi trong công tác chăm sóc sức khoẻ, để các thông tin, kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ nhanh chóng đến các hộ gia đình và được thực hiện.
4.5. Mở rộng hợp tác quốc tế
- Chủ động xây dựng các chương trình dự án về chăm sóc sức khoẻ,
- Làm việc với các tổ chức quốc tế để tăng thêm nguồn kinh phí, vật chất.

Một số mô hình hiệu quả trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu


1. Mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe dựa vào cộng đồng - Mô hình truyền thông “Nhà tới nhà”: Tình nguyện viên ( TNV) CTĐ sau khi được tập huấn đã đế từng hộ gia đình tuyên truyền người dân những kiến thức phòng bệnh, nhất là những bệnh dịch nguy hiểm như HIV, cúm A H5N1, cúm A H1N1, dịch tả, sốt xuất huyết…Đồng thời những TNV này đã đề nghị các hộ gia đình tham gia tuyên truyền cho người trong gia đình và hàng xóm. Ở vùng cao, đồng bào dân tộc không biết chữ, TNV CTĐ cũng không biết chữ, nhưng TNV được phổ biến kiến thức thông qua tranh, ảnh, áp phích và họ cũng đưa kiến thức đến cộng đồng bằng tranh ảnh, áp phích.
- Mô hình “Trẻ tới trẻ”: Hội CTĐ đã dựa vào các chi hội CTĐ trong trường học, phổ biến cho một số em nòng cốt những kiến thức về sức khỏe để các em phổ biến lại cho các bạn và có nhiều em còn phổ biến cho cả cha mẹ, ông, bà.
- Mô hình truyền thông theo nhóm hộ gia đình, truyền thông bằng loa đài địa phương…
- Mô hình truyền thông qua các sự kiện, các chiến dịch rầm rộ nhằm tăng cường sự chú ý của mọi người. 
2. Mô hình hỗ trợ dinh dưỡng “Câu lạc bộ bà mẹ” Hội Chữ thập đỏ tập hợp các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, tổ chức thành câu lạc bộ bà mẹ. Hàng tháng Câu lạc bộ sinh hoạt, các bà mẹ được tập huấn các kiến thức, kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ, cách dùng oresol bồi phụ nước khi trẻ bị ỉa chảy, kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ như tạo bữa ăn dủ dinh dưỡng trong điều kiện ở nông thôn, như “tô màu bát bột” bằng cách thực tập nấu bột cho thêm vào bát bột những thực phẩm sẵn có: rau ngót hoặc rau cải, trứng gà do gà nhà đẻ, cua đi bắt ở ngoài đồng, đồng thời hoạt động tiết kiệm tín dụng cũng được triển khai nhằm giúp các bà mẹ có kinh phí phát triển kinh tế gia đình, có thêm tiền nuôi con.
Trong sinh hoạt câu lạc bộ, các bà mẹ còn được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe phụ nữ, phòng tránh các bệnh phụ khoa, phòng tránh thai, kế hoạch hóa gia đình và hướng dẫn đưa con đi tiêm chủng vacxin phong bệnh.
3. Mô hình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh môi trường - Hội cùng bà con trong thôn, bản xác dịnh những nhu cầu của bà con nhằm có được nước sạch và hố xí hợp vệ sinh.
- Sau khi xác định nhu cầu thì bàn đến cách tiến hành thực hiện. Hội vận động để hỗ trợ kinh phí mua nguyên vật liệu, bà con đóng góp công sức để vận chuyển vật liệu, xây dựng theo hướng dẫn kỹ thuật. 
- Sau khi xây xong các công trình này, Hội hướng dẫn bà con cách sử dụng đúng cách, đối với hệ thống bể nước dẫn nước đến từng nhà, bà con đóng tiền hoặc thóc gạo để bảo dưỡng công trình sử dụng lâu dài. 
4. Mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng - Hội tiến hành huấn luyện các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho học sinh trong trường học, công nhân trong các doanh nghiệp, người dân ở cộng đồng, lái xe taxi, xe ôm, cảnh sát giao thông… nhằm giúp cho mọi người có kiến thức, kỹ năng để tự cứu mình và cứu người khác tại nơi xẩy ra tai nạn trong đó TNV CTĐ là nòng cốt
- Hội vận động xây dựng các chốt, điểm sơ cấp cứu đặt tại nhà dân, nơi thường xẩy ra tai nạn; tổ chức các đội xe ôm cấp cứu, đội xe xich lô cấp cứu; vận động xây dựng đội xe vận chuyển cấp cứu .
5. Mô hình phòng khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ, Đoàn thày thuốc tình nguyện Chữ thập đỏ tập hợp được các thày thuốc đã nghỉ hưu hoặc đương chức tham gia khám chữa bệnh tại chỗ hoặc đến những nơi xa xôi mà đồng bào ít được cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, trực tiếp giúp bà con chữa các bệnh thông thường. Mô hình khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, các phương pháp y học cổ truyền đã giảm chi phí khám chữa bệnh, phục vụ được nhiều người hơn. Huy động được lực lượng cộng đồng đi thu hái, trồng cây thuốc Nam cung cấp cho khám bệnh cho chính họ.